Các công ty quốc phòng Nhật Bản bắt đầu giới thiệu những mẫu vũ khí tại triển lãm quốc tế nhằm chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào thị phần thương mại quốc phòng thế giới.
Mô hình thu nhỏ máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-1 do tập đoàn Kawasaki sản xuất trưng bày tại triển lãm vào tháng 5 tại Nhật Bản.
Theo New York Times, sau khi chính quyền thủ tướng Shinzo Abe nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được áp dụng kể từ sau Thế chiến II đã mở ra cơ hội cho các nhà thầu quốc phòng trong nước. Cuối tháng 5, Nhật Bản tổ chức cuộc triển lãm hiếm hoi các trang thiết bị quân sự. Triển lãm ghi nhận sự chuyển mình quan trọng của công nghiệp quốc phòng xứ sở mặt trời mọc.
Các tập đoàn lớn nhưMitsubishi, Kawasaki, Hitachi và Toshiba đem tới triển lãm một số mẫu vũ khí mới nhằm giới thiệu đến khách hàng tiềm năng. Những sản phẩm được giới thiệu gồm tàu ngầm tấn công phi hạt nhân, thủy phi cơ, hệ thống radar, cảm biến laser, máy bay tuần tra hàng hải cùng một số trang thiết bị khác.
"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy những thứ đó từ các nhà thầu quốc phòng Nhật Bản trong các cuộc triển lãm", Mick Fairweather, người thường xuyên tham dự triển lãm quốc phòng trên toàn thế giới, nói.
Vị chuyên gia về đấu thầu quân sự của Australia nhận xét thêm, sự tham gia của công nghiệp quốc phòng Nhật Bản vào thương mại quốc phòng thế giới sẽ ngày càng tăng. Điều đó mở ra cơ hội cho các nước tiếp cận vũ khí công nghệ cao sản xuất tại Nhật.
Khi Nhật Bản thâm nhập sâu vào "miếng bánh thị trường" vũ khí thế giới sẽ cho phép nước này đẩy mạnh sự phát triển của công nghiệp quốc phòng góp phần tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, sự thành công trong xuất khẩu sẽ góp phần làm tăng ảnh hưởng của Tokyo trên toàn thế giới. Một quốc gia mạnh về quân sự phải là nước chiếm thị phần cao trong lĩnh vực thương mại quốc phòng, chuyên gia Fairweather nhận xét.
Cuộc chiến miếng bánh vũ khí
Mô hình tàu ngầm tấn công phi hạt nhân lớp Soryu tại triển lãm. Ảnh: Reuters
Kể từ khi tái đắc cử, Thủ tướng Shinzo Abe đã tìm cách cải thiện sức mạnh cũng như tầm ảnh hưởng của quốc phòng Nhật Bản trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. "Hòa bình tích cực" là học thuyết mà ông Abe đang theo đuổi nhằm tăng cường vị thế của Tokyo trong các vấn đề mang tầm khu vực.
Tháng 4/2014, chính quyền Abe đã sửa đổi "3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí" áp dụng từ năm 1967. Triển lãm an ninh hàng hải tổ chức vào cuối tháng 5 cho thấy Tokyo đang có những bước đi cụ thể nhằm tham gia vào miếng bánh vũ khí thế giới.
Các tập đoàn lớn của Nhật từ lâu đã có thực lực khá mạnh trong việc sản xuất vũ khí cho lực lượng Phòng vệ nước này. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của họ bị giới hạn ở nhu cầu trong nước. Chính sách mới của chính quyền Abe đang tạo cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này bứt phá.
Một số nước đã bày tỏ sự quan tâm đến vũ khí Nhật Bản trước khi lệnh nới lỏng xuất khẩu được dỡ bỏ. Tokyo đang kỳ vọng Australia sẽ là khách hàng đầu tiên của loại tàu ngầm tấn công phi hạt nhân lơp Soryu do Mitsubishi Heavy Industries sản xuất. Tàu ngầm này sử dụng hệ thống động cơ không khí tuần hoàn độc lập AIP cho phép hoạt động lâu hơn và êm hơn. Chi phí cho mỗi tàu khoảng 50 tỷ yên (410 triệu USD).
Bên cạnh đó, Mitsubishi đang phát triển mẫu thử nghiệm xe thiết giáp đổ bộ nhằm cạnh tranh với các nhà sản xuất Mỹ trong việc cung cấp phương tiện cho Thủy quân lục chiến Mỹ. Tập đoàn Kawasaki đang giới thiệu mẫu phi cơ tuần tra hàng hải chống ngầm P-1 cho Hải quân Hoàng gia Anh.
Ấn Độ đã bày tỏ sự quan tâm tới thủy phi cơ hạng nặng US-2 do ShinMaywa Industries sản xuất. Thủy phi cơ này sẽ cho phép New Delhi kiểm soát vùng biển rộng lớn từ đảo Andamar đến Nicobar ở Ấn Độ Dương.
Đánh giá về khả năng thâm nhập thị trường của vũ khí Nhật, giáo sư Masahiro Matsumura, chuyên gia về an ninh và chính trị tại Đại học Momoyama Gakuin, nhận xét vũ khí của Nhật có bất lợi là chi phí cao do số lượng sản xuất nhỏ. Bên cạnh đó, chúng chưa từng trải qua thực chiến nên thiếu những đánh giá cụ thể.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng các sản phẩm "made in Japan" vốn nổi tiếng thế giới về chất lượng, đó là lợi thế lớn cho vũ khí Nhật Bản. Bên cạnh đó, chính quyền Tokyo có thể cung cấp gói tín dụng ưu đãi cho các khách hàng ở những nước đang phát triển mua vũ khí của nước này.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto cho biết, Nhật Bản có nhiều lợi thế trong các lĩnh vực công nghệ cao. Họ đang cung cấp cảm biến theo dõi sử dụng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, linh kiện cho tiêm kích tàng hình F-35. Ngoài ra, công nghiệp quốc phòng Nhật có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất các tiêm kích như F-2 và F-15J theo giấy phép từ Mỹ.
Vũ khí Nhật Bản có nhiều lợi thế nhưng các nhà thầu sẽ phải mất nhiều thời gian để tiếp cận thị trường thế giới vốn đang có sự cạnh tranh khốc liệt, cựu Bộ trưởng Morimoto thừa nhận về cơ hội của nước này trong thương mại quốc phòng.
Tin tức cập nhật bởi Công ty thu mua phe lieu gia cao!!!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét