Các tổ thu mua phế liệu của phụ nữ xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã dùng để mua bò tặng phụ nữ nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống. Đây là mô hình không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp hội viên thoát nghèo bền vững mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Biến điều “không tưởng” thành hiện thực
Hương Vĩ là một xã miền núi thuộc huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Hội phụ nữ xã với gần 1.200 hội viên tham gia sinh hoạt tại 11 chi hội. Cuối năm 2010, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình “năm không, ba sạch”, thiết thực hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, Hội phụ nữ xã trăn trở tìm kiếm, lựa chọn mô hình hoạt động phù hợp, nhằm thu hút hội viên nhiệt tình tham gia. Cuối cùng, Ban Chấp hành quyết định lựa chọn mô hình "Túi rác tiết kiệm" triển khai tại tất cả các chi, tổ hội.
Chủ tịch Hội phụ nữ Hương Vĩ Ngô Thị Liên cho biết: “Đúng vào dịp 8-3-2010, chúng tôi tiến hành triển khai mô hình. Những ngày đầu tuyên truyền, động viên hội viên tham gia không dễ dàng gì, do hội viên nông thôn miền núi chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, các chị em cũng chưa có tư duy tiết kiệm. Họ cho rằng, rác thải,sắt thép phế liệu chỉ có nước vứt ra đầu làng, cánh đồng, còn việc tiết kiệm, thu gom rác, phế liệu để bán lấy tiền là điều không tưởng. Ban Chấp hành không quản ngày đêm, xuống tận từng chi, tổ hội tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Bản thân trong nhà mỗi cán bộ Hội có hai thùng rác. Một thùng chứa rác thải có thể tái chế được và một thùng rác không tái chế được. Tháng đầu tiên, toàn thể cán bộ Hội mang túi rác có thể tái chế được tới nhà văn hóa tập trung thu gom, bán phế liệu trước sự chứng kiến đông đảo của hội viên toàn xã. Chỉ tới dịp 20-10-2010, chúng tôi đã nhận được 30 triệu đồng bán phế liệu từ 11 chi, tổ hội”.
Từ năm 2011 đến nay, Hội phụ nữ xã Hương Vĩ tiến hành bán 14 đợt, gồm 14 tấn rác thải, phế liệu thu gom, thu về hơn 400 triệu đồng. Ban đầu, số tiền này dùng để mua quà thăm hỏi, động viên hội viên phụ nữ, trẻ em khó khăn trong toàn xã.
Theo thời gian, số tiền thu gom lại ngày càng lớn, trong khi việc tặng quà phụ nữ, trẻ em nghèo bằng tiền mặt chỉ có ý nghĩa động viên nhất thời, Hội LHPN xã đã quyết định sử dụng số tiền trên một cách thiết thực hơn, đó là mua bò sinh sản tặng phụ nữ nghèo phát triển kinh tế. Ý tưởng đưa ra ngay lập tức được toàn thể hội viên nhất trí cao và triển khai ngay sau đó.
Nhân rộng mô hình
Năm 2011, con bò đầu tiên đã được trao cho chị Nguyễn Thị Bảy, hội viên nghèo thuộc chi hội thôn Hốt. Hoàn cảnh nhà chị Bảy hết sức éo le. Chồng chị bị mất 80% sức khỏe do tai nạn giao thông, một mình chị ở vậy nuôi ba con ăn học. Chị Bảy chân thành nói: “Từ một con bò, đến nay nó đã đẻ cho gia đình chúng tôi ba con bê. Tôi đã bán bê lấy tiền mua thuốc cho chồng và trang trải học phí cho ba đứa con ăn học. Món quà của Hội phụ nữ xã là động lực quý giá giúp tôi vượt qua khó khăn, chăm sóc chồng và nuôi dạy các con ăn học tử tế, thoát khỏi cảnh nghèo túng”.
Ngày trao tặng 11 con bò giống, với tổng số tiền 165 triệu, tặng 11 người, trong đó chín hội viên phụ nữ và hai trẻ em nghèo, của Hội phụ nữ xã Hương Vĩ đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong thay đổi tư duy, nhận thức của hội viên phụ nữ toàn xã về ý nghĩa của mô hình tiết kiệm từ rác thải mà bản thân họ tham gia hàng ngày.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, số thành viên tham gia mô hình ngày càng đông đảo. Nếu như năm 2019, mới có 670 hội viên tham gia, thì cuối năm 2014, 100% hội viên toàn xã đã tham gia. Nhờ đó, số bò sinh sản được trao tặng đến hội viên khó khăn cũng tăng lên hàng năm. Bên cạnh đó, từ nguồn tiền tiết kiệm, Hội LHPN xã giúp 27 hội viên vay 201 triệu đồng với lãi suất thấp, trích sáu triệu đồng mua báo Phụ nữ Việt Nam; hỗ trợ 11/11 chi hội sinh hoạt và làm theo Báo Hội.
Mô hình tiết kiệm từ rác thải mua bò sinh sản tặng hội viên, phụ nữ nghèo do Hội LHPN xã Hương Vĩ phát động đã làm dấy lên không khí thi đua sôi nổi trong 11 chi hội và toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ toàn xã. Đây là việc làm đầy ý nghĩa, thiết thực động viên phụ nữ nghèo cố gắng vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Từ thành công của mô hình do phụ nữ phát động, UBND xã Hương Vĩ quyết định giao dự án nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo do hội phụ nữ quản lý. Đến nay, số bò sinh sản được giao cho các hộ nông dân trong xã lên tới bốn mươi con.
Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ngô Thị Liên cho biết: Trong thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục duy trì tốt hoạt động của mô hình với những dự định mới phục vụ lợi ích thiết thực của hội viên phụ nữ, trẻ em tại địa phương như: hỗ trợ xây lò đốt rác thải, cải tạo khu vui chơi cho trẻ em... Kết quả của mô hình chính là đòn bẩy hữu hiệu trong vận động tập thể cán bộ, hội viên toàn xã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình tiết kiệm mua bò sinh sản tặng hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế của Hội LHPN xã Hương Vĩ, Hội LHPN huyện Yên Thế đã chỉ đạo các cơ sở hội toàn huyện học tập, nhân rộng mô hình. Năm 2011, toàn huyện chỉ có 78 mô hình thì đến tháng 5-2015, toàn huyện có 212 mô hình tại 21/21 cơ sở, với hơn 16 nghìn thành viên tham gia. Từ mô hình, Hội phụ nữ các xã, thị trấn đã thực hiện việc thu mua đồng phế liệu rác thải, bán và tiết kiệm được 655 triệu đồng giúp đỡ hơn 500 phụ nữ, trẻ em nghèo.
Cùng với mô hình tiết kiệm mua bò sinh sản tặng hội viên phụ nữ nghèo của xã Hương Vĩ, theo sự chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, 10/10 hội phụ nữ huyện, thành phố đã xây dựng và phát triển các mô hình tiết kiệm phù hợp với đặc thù tại địa phương. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện đã phát triển nhiều mô hình tiết kiệm rất hiệu quả: Hội LHPN huyện Hiệp Hòa với mô hình "Hũ gạo tiết kiệm"; Hội LHPN huyện Việt Yên với mô hình "Tiết kiệm tặng lợn giống cho phụ nữ nghèo", Hội LHPN huyện Lạng Giang với mô hình "Quỹ tấm lòng vàng"...
Kết quả từ những mô hình phụ nữ thực hành tiết kiệm, giúp hội viên phát triển kinh tế tại Bắc Giang đã góp phần thiết thực giúp đỡ, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên để thoát nghèo, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét