
Từng có một thời là những đồ vật hữu dụng, nhưng khi xã hội, công nghệ phát triển thì chiếc phích vỏ sắt, ấm nhôm, máy khâu “con bướm”… lại bị “chôn vùi” trong một góc nhà kho hay trở thành phế liệu. Ngay cả chai, lọ thời khó khăn cũng đều được tích trữ, nâng niu, vậy mà giờ đây dùng xong cũng nhanh chóng bị vứt vào thùng rác. Thế nhưng, tại cửa hàng Đồng Nát Decor (Hoàng Cầu, Hà Nội) những vật dụng này lại được đưa trở về với cuộc sống khi “khoác” trên mình những công năng mới.
Những đồ cũ, thừa sẽ được Đồng Nát Décor “tân trang” thành vật dụng mới xuất hiện trong gia đình
Cửa hàng có tính chất công việc giống với tên gọi, nhưng thay vì thu gom đồ về rồi đập bẹp đem bán cân, Đồng Nát Decor phân loại và tìm ý tưởng sáng tạo cho từng món đồ thu thập được, tạo thành những sản phẩm mới. Chai đựng rượu thì được “đổi đời” thành chóa đèn, lọ cắm hoa, khúc gỗ tưởng mục lại hóa cái đế đèn, phích cũ làm thành đèn ngủ…Tất cả những đồ đồng nát này tưởng chừng như sẽ kết thúc số phận của mình hoặc được quay vòng lại tái sử dụng trong cuộc sống, với nhiệm vụ cũ, nhưng qua Đồng Nát Decor thì chúng được tiếp tục “sống” với thân phận khác khi có một cuộc sống mới.
Những chiếc phễu được biến hóa thành “đèn phễu”
Tuy nhiên, để “tân trang” những vật dụng này sang một diện mạo mới cũng không hề đơn giản. Đơn cử như việc biến chai lọ thành những đồ dùng hàng ngày như lọ hoa, chậu trồng cây…, xem clip trên mạng có vẻ dễ dàng nhưng thực tế khi bắt tay vào làm thì lại hoàn toàn ngược lại. Phải có công cụ thì mới có thể cắt chai được nhưng ở Việt Nam không có sẵn máy móc, phải mua lại đồ cũ và sửa lại để phù hợp với hoạt động, quy trình của xưởng sản xuất. Khi cắt xong, để sản phẩm được nhẵn và mịn lại phải trải qua công đoạn mài khô, mài cho đỡ xước, đánh bóng. Nhưng đây mới chỉ xong phần thô, dựa vào mục đích sử dụng mà những sản phẩm này sẽ được “khoác thêm chiếc áo riêng để đến với đời sống”. Anh Vinh cho biết, nếu là lọ cắm hoa thì phải “trang điểm” kỹ càng hơn để tạo điểm nhấn cho sản phẩm, còn nếu là bồn trồng cây thì chỉ cần làm mức độ vừa phải, không quá tỉ mỉ mãi giũa, chỉ cần không làm đứt tay là được, vì cây trồng có thể che được các khuyết điểm.
Quá trình thu mua nguyên liệu cũng không phải cứ muốn là có. Anh Vinh chia sẻ, chai lọ thì có thể đến các quán, nhà hàng để thu mua nhưng với những vật dụng khác như phích sắt, máy khâu…thì ngay từ phần tìm mua đã vấp phải khó khăn, khi bỏ công “len lỏi” đến các phiên chợ đồ cũ, đi ngoại tỉnh. Tuy nhiên, chính vì sự khan hiếm về nguyên vật liệu đã làm nảy sinh những ưu điểm cho sự sáng tạo trong quá trình thực hiện, “vẽ thêm” công năng cho sản phẩm. Thêm vào đó, không phải vật dụng nào khi mua về cũng có thể dùng ngay được nhưng với tôn chỉ của Đồng Nát Decor “biến cái không dùng được thành dùng được, mang lại một cuộc sống mới cho đồ vật đã “chết” thì những thứ đồ này vẫn sẽ còn cơ hội có ngày được “tỏa sáng”.
Chiếc máy khâu cũ kĩ được “phẫu thuật” thành đèn trang trí
Hiện tại, các sản phẩm của Đồng Nát Decor đều được “biến hóa” theo phong cách “gắn liền với quá khứ”. Anh Vinh tự hào giới thiệu rằng, nguyên vật liệu nào cũng đều “có câu chuyện liên quan nào đó nhưng mình muốn điểm xuyết thêm những điều mới mẻ trong cuộc đời của “nó”, trong khi vẫn tôn trọng quá khứ mà nó đã mang”. Thế nên, các sản phẩm của Đồng Nát Decor luôn gợi nhớ một kỷ niệm hay thời kỳ nào đó với khách hàng. Vì vậy, các tác phẩm ở đây không chỉ là đồ handmade thông thường mà là kết hợp giữa sự sáng tạo thủ công với máy móc, cộng với tình cảm của “bác sỹ phẫu thuật” nên “diện mạo” cũng không giống nhau hoàn toàn mà luôn có sự khác biệt.
Chai rượu được thiết kế thành lọ hoa, lọ đốt tinh dầu, chậu cây…
Dù trước mắt vẫn còn nhiều trở ngại nhưng trong thời gian tới, Đồng Nát Decor sẽ vẫn tiếp tục hành trình “chỉnh sửa” dáng vẻ cũng như công năng mới cho các đồ thừa, đồ bỏ đi, tập trung sản xuất đa dạng nhiều mẫu mã. Đồng thời Đồng Nát Decor dự định sẽ mở một website riêng cho khách hàng có thể tiếp cận với các sản phẩm của quán một cách thuận lợi hơn và mong muốn truyền cảm hứng, kinh nghiệm để mọi người có thể tự tay “thiết kế” lại để lưu giữ, sử dụng các vật dụng mà mình từng một thời gắn bó.
Thu mua phế liệu
Trả lờiXóa